Quy chế Hội viên

QUY CHẾ HỘI VIÊN

HỘI THÀNH VIÊN ĐỘC LẬP

HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 01/2022/QĐ-BCH

ngày 11 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Hội Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam)


Xem Quy chế Hội viên bản PDF: Click vào đây


Điều 1. Hội viên, tiêu chuẩn hội viên

1. Hội viên của Hội Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (Vietnam Independent Directors Association) (sau đây gọi là “Hội” hay “VNIDA”) gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự:

a) Hội viên chính thức: công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều này tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện có Đơn gia nhập Hội theo mẫu do Hội quy định, có thể trở thành hội viên chính thức của Hội.

b) Hội viên liên kết: công dân Việt Nam chưa đủ điều kiện là hội viên chính thức hoặc hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến thành viên độc lập Hội đồng quản trị theo quy định pháp luật, có nguyện vọng, tự nguyện và tán thành Điều lệ Hội, được Hội xem xét công nhận là hội viên liên kết của Hội.

c) Hội viên danh dự: công dân Việt Nam không có đủ điều kiện trở thành hội viên chính thức hoặc hội viên liên kết của Hội nhưng có uy tín, chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp và có đóng góp đối với hoạt động và phát triển của Hội, tán thành Điều lệ Hội được Hội công nhận hoặc mời làm hội viên danh dự.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn hội viên đối với hội viên chính thức: Hội viên chính thức là công dân Việt Nam có đủ năng lực hành vi dân sự; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có trình độ Đại học trở lên mong muốn phát triển chức danh nghề nghiệp thành viên độc lập Hội đồng quản trị, có điều kiện tham gia các hoạt động thường xuyên của Hội; và đáp ứng một trong hai tiêu chuẩn sau đây:

a) Đã hoặc đang là thành viên độc lập Hội đồng quản trị của công ty hay tổ chức tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hiện hành; hoặc

b) Đã hoặc đang hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến thành viên độc lập Hội đồng quản trị, cụ thể:

  • Người quản lý doanh nghiệp (theo quy định của Luật Doanh nghiệp) tại một công ty tại Việt Nam;
  • Chuyên gia tư vấn (luật sư, chuyên viên pháp chế, chuyên gia tài chính …) nắm giữ vị trí quản lý trong các tổ chức chuyên nghiệp (công ty luật, công ty kiểm toán – kế toán, tư vấn tài chính …); hoặc
  • Giảng viên đại học hay người làm công tác học thuật tại các cơ sở đào tạo, có hoạt động trong lĩnh vực thành viên độc lập hội đồng quản trị và/hoặc quản trị doanh nghiệp.

Điều 2. Quyền của hội viên

1. Được Hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.

2. Được Hội đưa vào danh sách giới thiệu ứng viên thành viên độc lập Hội đồng quản trị gửi tới các Công ty cổ phần khi có yêu cầu giới thiệu.

3. Được Hội cung cấp thông tin; được tham gia các sự kiện, hội nghị, hội thảo, tập huấn, đề tài, chương trình, dự án; được phổ biến chính sách, pháp luật, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

4. Tham gia thảo luận, quyết nghị các chủ trương công tác của Hội; thông qua Hội được kiến nghị, đề xuất ý kiến với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội.

5. Được dự Đại hội, ứng cử, đề cử, bầu cử Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra Hội theo quy định của Hội.

6. Được giới thiệu công dân Việt Nam có nguyện vọng trở thành hội viên của Hội.

7. Được Hội khen thưởng theo quy định của Hội.

8. Được cấp giấy chứng nhận Hội viên.

9. Được ra khỏi Hội khi thấy không thể tiếp tục là hội viên.

10. Các quyền lợi khác tùy theo loại hội viên theo quy định tại Phụ lục 2 Quy chế này.

11. Hội viên liên kết, hội viên danh dự được hưởng các quyền như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hội và quyền ứng cử, đề cử, bầu cử Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội.

Điều 3. Nghĩa vụ của hội viên

1. Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành Điều lệ, quy định của Hội.

2. Tích cực tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hội; đoàn kết, hợp tác với các hội viên khác để xây dựng Hội phát triển vững mạnh.

3. Bảo vệ uy tín của Hội, không được nhân danh Hội trong các quan hệ giao dịch, trừ khi được Chủ tịch, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành phân công bằng văn bản.

4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Hội.

5. Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hội và Phụ lục 2 Quy chế này.

6. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Thủ tục, thẩm quyền kết nạp hội viên

1. Điều kiện gia nhập hội: công dân Việt Nam có đủ điều kiện theo quy định tại Quy chế và Điều lệ Hội muốn gia nhập Hội gửi hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều này đến Văn phòng Hội.

2. Hồ sơ xin gia nhập Hội bao gồm:

  • Đơn xin gia nhập Hội theo mẫu được quy định tại Phụ lục 1 Quy chế này;
  • Bản chụp chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực; và
  • Bản sao các bằng cấp/chứng chỉ nghề nghiệp hoặc tài liệu chứng minh đủ các điều kiện, tiêu chuẩn hội viên.

3. Văn phòng Hội tổng hợp hồ sơ xin gia nhập hội và báo cáo Hội đồng thẩm định Hội viên (bao gồm các thành viên do Ban Thường vụ chỉ định hoặc phân công). Hội đồng thẩm định Hội viên ra quyết định kết nạp hội viên.

4. Trong vòng 15 (mười lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của tổ chức, cá nhân gia nhập Hội, Hội đồng thẩm định Hội viên quyết định việc kết nạp hội viên, hội viên đóng hội phí theo quy định.

5. Việc công bố hội viên mới được tiến hành tại các sự kiện do Hội tổ chức.

Điều 5. Chấm dứt tư cách hội viên

1. Hội viên tự nguyện ra khỏi Hội làm đơn gửi Ban Thường vụ Hội (thông qua Văn phòng Hội). Ban Thường vụ Hội xem xét, quyết định chấm dứt tư cách hội viên và thông báo bằng văn bản đến Ban Chấp hành, hội viên của Hội. Căn cứ Nghị quyết của Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội ban hành quyết định chấm dứt tư cách hội viên.

2. Căn cứ Nghị quyết của Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội ban hành quyết định khai trừ hội viên trong các trường hợp sau:

  • Vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm Điều lệ và các quy định của Hội làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hoạt động của Hội;
  • Bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo bản án có hiệu lực thi hành của Tòa án, bị tước quyền công dân theo quy định của pháp luật;
  • Không đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn.3. Trước khi ra khỏi Hội, hội viên phải bàn giao công việc, tài sản, tài chính mà mình phụ trách, đang thực hiện (nếu có) cho Hội.4. Hội viên bị chấm dứt tư cách hội viên có quyền khiếu nại lên Đại hội Hội, quyết định của Đại hội là quyết định cuối cùng.

Điều 6. Khen thưởng

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghề nghiệp và công tác của Hội được Hội khen thưởng theo Quy chế Khen thưởng do Ban Chấp hành Hội ban hành hoặc được đề nghị các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Căn cứ theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hội ban hành Quy chế Khen thưởng quy định cụ thể tiêu chuẩn, hình thức, thẩm quyền, thủ tục khen thưởng.

Điều 7. Kỷ luật

1. Tổ chức thuộc Hội, hội viên vi phạm pháp luật, Điều lệ, quy chế, các quy định của Hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của Hội tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xem xét, thi hành kỷ luật bằng các hình thức: phê bình, khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có), xóa tên, khai trừ hoặc bị giải thể (đối với tổ chức) theo Quy chế Kỷ luật do Ban Chấp hành Hội ban hành. Nếu gây thiệt hại về tài sản, tài chính thì ngoài hình thức kỷ luật còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Căn cứ theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hội ban hành Quy chế Kỷ luật quy định cụ thể các vấn đề về kỷ luật, bao gồm hình thức, thẩm quyền, quy trình kỷ luật trong nội bộ Hội.

3. Việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong nội bộ Hội theo quy định của Điều lệ Hội và pháp luật.

Điều 8. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

1. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, các thành viên Ban Chấp hành hoặc hội viên có quyền đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế này.

2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế do Ban Chấp hành quyết định phù hợp với các quy định pháp luật và Điều lệ Hội.

Điều 9. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế Hội viên của Hội Thành viên Độc lập Hội đồng Quản trị Doanh nghiệp Việt Nam gồm 9 (chín) Điều đã được Ban Chấp hành Hội ban hành ngày 11 tháng 11 năm 2022 và có hiệu lực thi hành theo Quyết định ban hành của Ban Chấp hành.

2. Căn cứ quy định pháp luật về hội và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quy chế này và chịu trách nhiệm báo cáo với Đại hội./.