- November 1, 2022 | Categories: Economics, Independent Directors
“Tôi không bao giờ nghĩ là Việt Nam, một nước mạnh mẽ nhất Đông Nam Á như thế này, GDP phát triển tương đối cao nhất trên thế giới, mà thị trường chứng khoán không phát triển”, ông Louis Nguyễn nói.
Trao đổi trong Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management (SAM) đánh giá, quản trị công ty đóng vai trò quan trọng, giúp công ty minh bạch, hoạt động kinh doanh hiệu quả, gia tăng uy tín, từ đó giúp các công ty có cơ hội tiếp cận được các nguồn vốn khổng lồ trong và ngoài nước. Trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp vốn hóa lớn ở Việt Nam đã chú trọng hơn đến việc quản trị công ty, tuy nhiên phần động các doanh nghiệp còn lại vẫn chưa thực sự chú trọng đến quản trị doanh nghiệp và cần cải thiện hơn nữa về vấn đề kiểm toán nội bộ, công bố thông tin, báo cáo tài chính công khai minh bạch.
BTV Mùi Khánh Ly: Ông đánh giá như thế nào về vấn đề quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam hiện nay?
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Saigon Asset Management (SAM): Chúng tôi đã đầu tư vào Việt Nam từ 2003, 2005 đến bây giờ, đối với chúng tôi thì ngoài nhóm công ty VN30 – 30 công ty lớn nhất Việt Nam, những công ty còn lại tôi chưa đánh giá cao về sự minh bạch, về liêm chính và trách nhiệm với nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư tổ chức và những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Theo tôi, việc này với nhà đầu tư nước ngoài là một thách thức, nhưng cũng là cơ hội để họ đầu tư. Tại vì những công ty chưa được đánh giá cao sự minh bạch thì nhà đầu tư có thể dùng dòng tiền, những dòng vốn để đầu tư và có phương án hỗ trợ để các công ty đó trở nên minh bạch hơn.
Ngoài ra, những công ty minh bạch sẽ tiếp cận được nguồn vốn và những cơ hội từ nhà đầu tư nước ngoài hay là khách hàng, đối tác chiến lược từ nước ngoài. Minh bạch, liêm chính hay sự quan trọng hóa về quản trị kinh doanh đối với công ty và đối với nhà đầu tư nước ngoài là rất quan trọng.
Vậy ở trên thế giới vấn đề về quản trị công ty, quản trị tài chính được các doanh nghiệp và cơ quan quản lý được chú trọng như thế nào?
Rất quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức quỹ đầu tư quốc tế! Bởi vì mỗi một doanh nghiệp khi quyết định lên lên sàn chứng khoán hay phát hành trái phiếu riêng lẻ, thì nhà đầu tư cần có sự tin tưởng và doanh nghiệp phải chứng minh về vấn đề quản trị, để nhà đầu tư biết sự trách nhiệm và liêm chính của công ty đó. Nếu mà không có cái đó thì sự tin tưởng sẽ giảm đi. Và nếu nói về việc xử phạt nếu mà họ làm sai thì UBCK cũng sẽ xử phạt như bên mình, nhưng hình phạt bên nước ngoài rất nặng.
Đối với bên Mỹ, khung xử phạt mỗi khi các công ty niêm yết vi phạm là phạt ba lần mức lợi nhuận mà họ đã gian lận được, ít nhất là ba lần trở lên. Ở đây thì đa số, bên mình chỉ xử phạt vài trăm triệu, vài tỷ vẫn tương đối quá nhỏ.
Một vấn đề khác, tiếng Anh là whistle blower hay là những người tố cáo, những người thổi còi, khi họ cảm thấy công ty làm gì sai, họ có thể công bố thông tin là công ty này đang làm những vấn đề không theo luật, hay là không minh bạch cho các nhà đầu tư khác. Nếu mà chứng minh được vấn đề đó là thật, không chỉ là nói xấu người này người kia, và cuối cùng thì Ủy ban điều tra xác nhận được các hành vi vi phạm, thì những người tố cáo phải thực sự được bảo vệ bởi Ủy ban Chứng khoán. Đó là những vấn đề mà tôi nghĩ có thể ứng dụng được trong thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thực tế, ở Việt Nam, cơ quan quản lý cũng đã rất chú trọng và đưa ra các giải pháp cũng như hành lang pháp lý giúp cho các doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn đến quản trị doanh nghiệp, giúp bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường ngày càng minh bạch hơn. Ông đánh giá sao về điều này?
Gần đây các vụ việc doanh nghiệp vi phạm bị xử lý, chúng tôi đánh giá cao các động thái của cơ quan quản lý, và cũng mong muốn những sự kiện này sẽ tốt cho thị trường, giúp thị trường minh bạch hóa hơn, liêm chính hơn, rồi qua đó hoạt động quản trị kinh doanh sẽ được chú trọng hơn, để nhà đầu tư yên tâm tiếp tục đổ tiền vào thị trường cổ phiếu hay thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…
Đồng thời, các nhà đầu tư trong nước, ngoài nước đều mong muốn những chuyện này xảy ra nhanh chóng và chỉ tập trung trong lần này thôi, để nhà đầu tư cảm thấy thị trường đã bắt đầu ổn định, minh bạch hơn, rõ ràng hơn, để tiếp tục đầu tư vào. Chúng tôi vẫn vào, vẫn đầu tư nhưng riêng lần này có sự thận trọng hơn và để ý những thông tin thị trường như là đã ổn định rồi, xem xét còn chuyện gì xảy ra nữa không?
Như vậy bên cạnh những kết quả đã đạt được thì theo ông, còn những vấn đề gì liên quan quản trị doanh nghiệp ở Việt Nam cần hoàn thiện hơn trong thời gian tới?
Trong doanh nghiệp, tôi nghĩ là trong Ban điều hành thì kiểm toán nội bộ phải cần độc lập. Và về kiểm toán thì chỉ nên chấp nhận kiểm toán của nhà nước hay là các công ty kiểm toán trong nhóm Big Four, tạo sự uy tín cao hơn đối với nhà đầu tư trong và nước ngoài.
Về Ban kiểm soát báo cáo cho Hội đồng quản trị độc lập chứ không chỉ báo cáo cho Chủ tịch hay là Tổng giám đốc. Thường thì các Hội đồng quản trị độc lập bây giờ vẫn là người của Chủ tịch hay là Tổng giám đốc, là của cơ quan, của công ty chứ không phải là người thực sự là độc lập, vấn đề đó mình phải cân cân nhắc. Báo cáo tài chính cũng rất quan trọng vì đó là sự minh bạch hóa về công khai thông tin.
Vấn đề về phạt thì cần phạt nặng hơn, ít nhất là ba lần lợi nhuận mà họ thu được. Có nghĩa là khi họ gian lận 100 tỷ, thì cần phạt ít nhất 300 tỷ trở lên và phải bảo vệ những người mà phát hiện ra những vi phạm đó từ trong nội bộ, hay từ phía ngoài mà họ báo cáo cho UBCK. Tôi nghĩ đó là những hướng đi thận trọng hơn về vấn đề minh bạch, tránh gian lận hay thao túng,… của thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán ngày càng trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho doanh nghiệp, vì vậy ông đánh giá như thế nào về việc nâng cao quản trị công ty đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán?
Chúng tôi cũng đang làm việc với những sàn chứng khoán nước ngoài thu hút những công ty Việt Nam niêm yết ở nước ngoài hay là bán trái phiếu ở nước ngoài. Ví dụ như sàn chứng khoán Singapore, sàn chứng khoán Hongkong (Trung Quốc), sàn chứng khoán Mỹ, thì khi niêm yết thị trường chứng khoán nước ngoài là như thế nào? Một thách thức là các công ty đã và đang cố gắng niêm yết ở nước ngoài thì họ phải tuân theo thủ tục, theo yêu cầu cao của nước Mỹ hay Singapore hay Anh để mà niêm yết, vấn đề quản trị doanh nghiệp luôn được đề cao. Đổi lại, doanh nghiệp đó cũng sẽ được đánh giá là doanh nghiệp đại diện cho quốc gia mình huy động được vốn trên thị trường quốc tế. Phần thưởng của sự minh bạch, liêm chính và quản trị kinh doanh sẽ giúp tiếp cận những nguồn vốn khổng lồ, tạo di sản cho công ty và tiếp cận được vốn của các quỹ đầu tư tên tuổi trên quốc tế. Chúng tôi rất mong là các công ty Việt Nam quan trọng hóa vấn đề quản trị kinh doanh, liêm chính và minh bạch trong tương lai lâu dài.
Ngoài ra, việc nâng cao quản trị công ty, quản trị tài chính ở chính các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phát triển, tiệm cận thông lệ quốc tế và tiến tới được nâng hạng thị trường?
Rất là quan trọng. Nếu mà không có sự quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không tiếp tục phát triển tốt hơn. Thật lòng nói thì chúng tôi đã xem thị trường chứng khoán trong 15, 16 năm nay, song sự phát triển vẫn chưa mạnh mẽ như chúng tôi mong muốn. Những công ty lớn nhất, họ sẽ đi xu hướng nâng cao quản trị công ty và tính minh bạch, nhưng phần đông các công ty nhỏ hơn thì họ chưa thực sự chú trọng quản trị công ty. Nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng giai đoạn tới các công ty sẽ chú trọng quản trị minh bạch hơn.
Giai đoạn hiện nay của thị trường, tôi đã vượt qua vài trận như thế này, cả bên Mỹ hay Việt Nam. Đợt đầu tiên là khủng hoảng Dotcom, thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh tháng 4 năm 2000, và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008, năm 2010, rồi gần đây là suy thoái kinh tế do Covid tháng 3/2020 thị trường chứng khoán cũng giảm tương đối lớn.
Tuy nhiên vào những giai đoạn như thế này, chúng tôi đánh giá đó là cơ hội để đầu tư, khi mà thị trường đỏ là chúng tôi vào, và khi thị trường xanh thì có thể suy nghĩ về việc bán ra. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào những công ty minh bạch, những công ty chứng tỏ rõ ràng về quản trị kinh doanh, quản trị trong nội bộ, kiểm toán Big Four, Hội đồng quản trị độc lập, rất rõ ràng về những vấn đề liên quan đến xã hội, môi trường. Và thường là báo cáo tài chính thì rất rõ ràng, có tiếng Anh, tiếng Việt. Những công ty đó dù có thể là họ bị bỏ ra chi phí đắt hơn về quan hệ của nhà đầu tư (IR – Investor Relation), nhưng mà ngược lại, sự thu hút về vốn, sự mạnh mẽ và sự tin tưởng của khách hàng của nhà đầu tư đối với họ, cũng sẽ khác biệt những công ty khác.
Tôi nghĩ là trong vòng một vài tháng sắp tới, bây giờ đến cuối năm, thị trường sẽ ổn định lại. Nhưng mà lúc đó khi mà giá cổ phiếu đã lại lên cao quá rồi thì mình mất cơ hội đúng không? Chính vì vậy, bây giờ là thời điểm cân nhắc để điểm đầu tư. Tôi không bao giờ nghĩ là Việt Nam, một nước mạnh mẽ nhất Đông Nam Á như thế này, GDP phát triển tương đối cao nhất trên thế giới, mà thị trường chứng khoán không phát triển. Điều đó là rất khó tin.
Theo Cẩm Thạch
Nhịp Sống Kinh Doanh